Trích Trên đường băng - Tony
(Nói về cách giao thương, buôn bán và sản xuất)
Tony ra Hà Nội chơi, thấy ở chợ Phúc Xá gười ta bán 200 ngàn một ký cua đồng. Mà con cua bé tẹo. Trong khi đó ở Sài Gòn chỉ có 60 ngàn một ký nhưng không chở ra được vì đi xa là nó chết. Nên các bạn ngoài đó mình có thể đầu tư nuôi cua. Con cua nó nhạy cảm với thời tiết, mình đầu tư quy mô công nghiệp áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Trong miền Nam, sản xuất nông nghiệp thường là nông trại lớn, nên Tony thấy gà đồi cá ao rau vườn ngoài Bắc nhìn chung ngon hơn, tuy nhiên, giá lại quá đắt so với thu nhập của người dân bình thường ở đấy. Với tốc độ gia tăng dân số, đô thị hoá các làng quê, các khi công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều... thì nông sản ở miền Bắc sẽ không đủ cung với cách làm nhỏ như vậy nữa. Vận chuyển từ Nam ra những 2000 km so với 300 km từ biên giới, do đó hàng nông sản từ Trung Quốc sẽ có giá cạnh tranh hơn. Hôm bữa Tony đi các tỉnh Trung Quốc sát biên giới nước mình là Vân Nam và Quảng Tây, Tony thấy các nông trại khổng lồ trồng đủ thứ rau củ quả nhiệt đới và á nhiệt đới, nuôi cá tầm, cá hồi , cá quả, đến gia súc gia cầm, gì họ cũng có, quy mô nông trại lớn nên chi phí sản xuất thấp. Theo nguyên tắc giao thương, nước chảy về chỗ trũng là bình thường nếu c húng ta không tự nâng nền cao lên để nước khỏi tràn vô.
Các bạn đi xa chút, Thái Nguyên, Lai Châu, lào Cai... lập dự án đầu tư nông nghiệp. Có đường cao tốc hết rồi, vận chuyển về Hà Nội hay Hải Phòng sẽ vô cùng nhanh chóng, dễ dàng, các bạn ở Hà Nội lên đó làm việc sáng đi chiều về vẫn được. Mua hè mình lắp máy phun sương, lưới chắn nóng, mùa đông dùng bóng halogen sưởi ấm. Chứ Tony thấy trên phố Hà Thành, dọc một con phố mà cơ man nào là công ty, toàn làm dịch vụ như tư vấn, tài chính, chứng khoáng, bất động sản, quảng cáo truyền thông, rồi san sát là các cửa hiệu bán quần áo, rồi thậm chí bà gánh hoàng hoa quả đi ngang qua, Tony liếc nhìn vô cũng thấy táo, lê, lựu, nho, đào, thanh mai... toàn hàng Tàu.
Các bạn nói nông nghiệp bấp bênh, có lúc nông sản đổ đống không ai mua, đó là do nông nghiệp mình manh mún, tự phát. Nông nghiệp hiện đại quy mô lớn, mình sẽ có tổ chức bộ phận marketing. Bộ phận này sẽ phải liên hệ với các siêu thị, các chợ bán sỉ, các thương nhân xuất khẩu, các nhà máy chế biến... hàng cứ dội chợ là họ đem đi trữ đông, làm mứt hay sấy khô liền. Họ tham gia mọi hội chợ triễn lãm, nên khách hàng ngày càng đông, họ càng mở rộng quy mô sản xuất. Làm nông nghiệp phải tính toán và cắt cử nhân lực phụ trách đầu ra, sales và marketing. Làm nho nhỏ trước, đi tiếp thị xong rồi mới mở rộng. Ví dụ: nuôi cua quy mô công nghiệp, đội bán hàng sẽ phải cả ngày liên hệ các chợ bán sỉ ở tỉnh thành, các nhà hàng lớn để tiếp thị, thậm chí phải biết được nhà máy đông lạnh nơi gần nhất để trong trường hợp hàng bị thừa nguồn cung mà cua ngày mỗi lớn, mình có thể đông lạnh và gửi nhà máy trữ giùm. Hoặc trồng vải cũng vậy, mình có thể gửi cấp đông khi vào mùa vụ chính. Kinh doanh là phải sáng tạo ghê lắm. Mục tiêu cuối cùng của nông nghiệp hiện đại là tự chủ trong nước, hướng đến xuất khẩu ra thế giới tới 200 quốc gia chứ không phải xe tải xếp hàng chờ ở biên giới Lạng Sơn. Muốn xuất khẩu phải có tiêu chuẩn Global G.A.P, HACCP, HALAL, ISO... rồi kiểm dịch, chiếu xạ, chưa nói đến kích cỡ sản phẩm phải đồng nhất chứ không phải trái to trái bé, trái ngọt trái chua... như vậy chỉ có quy mô trang trại chuyên nghiệp mới đáp ứng được.
Còn các bạn muốn khởi nghiệp? Cứ mạnh dạn đi xa. Về quê tổ chức sản xuất kinh donh. Sợ gì mà không đi? Không bao giờ có việc ngồi gõ máy tính lách cách chat chit với mấy đứa bạn thất nghiệp mà kiếm nhiều tiền cả, trừ đầu óc thiên tài như Mark Zuckerberg với Facebook. Mình kém tài hơn thì phù phiếm chi? Nhiều bạn từ nông thôn lên thành phố học, xong ở lại cố bám trụ thành phố lớn trong khi tài năng không có gì đặc biệt, lương cứ mấy triệu đồng một tháng, đổi hết việc này sang việc khác thì cũng chỉ có thêm thu nhập 1-2 triệu đồng. Thử hỏi chục năm sau các bạn có gì? Tích tiểu thành đại, chín xu đổi lấy một hào, mạnh dạn đi xa làm ăn khởi nghiệp. Như Tony, cũng có học hàm học vị, nhưng vẫn bỏ đi trồng nấm trồng hoa ở tận mấy miệt vườn xa lắc xa lơ, vì thấy thị trường lớn. Nấm trồng ra bị ế, tony vẫn ra ngoài chợ đứng bán, chả sợ ai. Gương mặt thanh tú và đôi tay búp măng của Tony sẽ gói rau thoăn thoắt, nụ cười sáng bừng cả góc chợ. Việc mình mình làm, hơi đâu để ý xung quanh. Đứa nào nó khinh “dân bán hàng” kiểu “sĩ phu” nhảm nhí, mình ra tay chỉ thẳng vào mặt nó, nó sẽ sợ hãi ngay.
Tony đọc báo cáo tài chính của một số công ty tập đoàn, thấy mệt. Có tiền trăm triệu đô la thì hãy đầu tư trung tâm R&D để phát triển công nghệ chớ sap chực đánh quả không vậy? Vẽ vời chi mấy cái dự án viễn vông, cổ phiếu cổ đông gì đó rồi người ta lao vô thì úp sọt hết. Nền kinh tế không thể mạnh nếu chỉ toàn dự án chung cư, biệt thư nghỉ dưỡng và mua qua bán lại cổ phiếu.
Phải sản xuất và sản xuất, chưa đủ trình làm ra smartphone như Hàn Quốc thì phải đủ gà vịt để ăn. Chứ 70% dân số nghề nông mà gà cũng nhập, bò cũng nhập, heo cũng nhập, rau củ quả gì cũng nhập. Mình hay nói “phi thương bất phú” nhưng không đúng đâu. Hiểu sai nên nhà mặt tiền nào cũng “thương” để mà “phú”. Hôc sinh giỏi chọn vào kinh tế, ngoại thương, ngân hàng chứ không chịu vô cơ khí, điện tử, hoá chất. Đứa nào ra trường cũng chỉ chờ chực xin việc chứ không chịu mở cái lò rèn, giả dụ, học cơ khí ra, làm cuốc xẻng để lên mạng quảng cáo xuất khẩu. mấy nước ôn đới họ vẫn nhập cuốc xẻng để làm vườn và xúc tuyết từ Thái Lan đấy thôi. Lê Quý Đôn nói: “phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng, phi nông bất ổn”, tức nếu muốn giàu có, phải làm công nghiệp. Nếu muốn ổn định, phải đầu tư nông nghiệp. muốn hưng thịnh đất nước, phải đầu tư giáo dục. Và muốn xã hội nhộn nhịp, người dân lanh lợi, thì phải có giao thương.
“Phi công” nghĩa là “không có công nghiệp”, chứ không phải nghề lái máy bay đâu nha. Các bạn gái trong Câu lạc bộ con Dượng thấy bạn trai làm nghề phi công, nó mê mình một cái thì gật đầu chịu liền. Lấy liền liền cho Tony. Nó khoẻ mạnh lắm, ít tốn tiền thuốc thang bệnh tật.
Vui lòng đọc lại bài này một lần nữa. Ông bà mình nói “Cho bạc cho vàng, không ai trỏ đàng đi buôn”. “Đi buôn” ở đây có nghĩa là “làm ăn, sản xuất”, chứ không phải thương mại. Người Châu Á ít trỏ đường làm ăn cho người khác, vì người ta sợ trỏ xong, đứa kia giàu có hơn mình. trừ tony.
Vì Tony giàu quá.
No comments:
Post a Comment