Hơn một thế kỉ nay, văn đàn thế giới vẫn còn nhắc tới Emily Bronte và tiểu thuyết Đồi Gió Hú, một viên kim cương trong kho tàng văn học Anh.Và có lẽ không một cuốn từ điển danh nhân nào vắng tên tuổi và sự nghiệp của ba chị em Bronte “Tài hoa và bạc mệnh”.
Catherine và Heathcliff |
Thực
ra, Emily là thứ tư trong số năm chị em gái – chưa kể một người anh trai,
Patrick Panwell, ngay trên nàng. Hai chị lớn cùng cha khác mẹ chết từ tuổi thiếu
niên do bị còi cớm trong môi trường u ám, giết mòn tinh thần, của cái trường
Lowood được Charlotte miêu tả tron Jane Eyre. Cha của họ Patrick Brunty (hay
Bronte), là một mục sư người Ireland phụ trách giáo khuYorkshire thuộc vùng
Haworth. Khung cảnh trong đó Emily sống gần trọn ba mươi năm cuộc đời ngắn ngủi
của mình (trừ ba lần rời khỏi Haworth, trong đó chuyến đi xa nhất là du học ở
Brussels) cũng chính là những dài đồng hoang tiêu điều, hiu hắt của miền bắc nước
Anh được tiêu tả trong Đồi Gió Hú, và cũng vẫn cái màu thê lương ấy bao phủ
không khí gia đình này như một đe dọa thường trực của định mệnh. Ngôi nhà họ ở
trông ra nghĩa trang xứ đạo và dựa lưng vào một ngọn đồi trọc lộng gió sau này được dùng làm khung cảnh cho câu chuyện
Đồi Gió Hú. Năm 1821, Emily mới ba tuổi và phải để tang mẹ. Người anh trai Brandwell,
đầy tài năng nhưng chơi bời phóng đãng, đã không sống qua tuổi thanh xuân. Cô
em gái Anne, không đầy một năm sau Emily mất, cũng vội vã đi theo chị. Cả
Charlotte, được coi là khỏe mạnh nhất nhà, cũng không tới được ngưỡng tứ thập,
nàng chết năm 1854 giữa kỳ sinh nở. Cha xứ Bronte đã phải sống để chôn tất cả
các con và chỉ qua đời một năm sau đó. Thật cứ như mụ già Định Mệnh cay nghiệt
dồn dã những đòn hằn hộc nhất xuống gia đình tài hoa này.
Từ
nhỏ Emily đã vun trồng một cuộc sống hướng nội, thường tìm ẩn nấu trong sác.
Tháng 6 năm 1862, ông Bronte mua cho các con một bộ các chú lính gỗ và bộ đồ
chơi đó đã trở thành cảm hứng cho lũ trẻ thả trí tưởng tượng bay bổng thành
hàng loạt truyện viết liên hoàn. Dần dà, cùng với Charlotte, Brandwell và Anne,
Emily bắt đầu sống một cuộc sống trong một thế giới tưởng tượng: vương quốc
Angria do Charlotte và Brandwell “sáng lập”, trong đó có các cư dân (hư cấu) ứng
xử khác thường do những xung động và xúc cảm cuồng bạo như tính chất gợi nên bởi
chính tên gọi của nó (angry nghĩa là phẫn nộ, giận dữ). Khi Charlotte đi học xa
và Brandwell cũng rời nhà toan tính chuyện kiếm sống, Emily và cô em gái Anne lại
tạo nên một vương quốc còn hoang vu và bí mật hơn gọi là xứ sở của những người
Gondal ở đó cư dân nói bằng những lời thơ trữ tình do Emily viết. Năm 1864, nhờ
kết quả chạy vạy của Charlotte, một số mảng của thế giới hư cấu nói trên ra mắt
độc giả với dưới hình thức một cuốn sách nhan đề “Thơ của Currer, Ellis và
Acton Bell” (tức là Charlotte, Emily và Anne). Vào cái thời kì mà người ta còn
khó chấp nhận nữ tác giả, ba chị em đã phải đội bút danh đàn ông, theo gợi ý của
Charlotte, chí ít họ cũng giữ những chữ cái đầu tên của mình.
Đồi
Gió Hú được xuất bản năm 1847, đồng thời với Agnes Grey của Anne trong khi Giáo sư của Charlotte bị từ chối. Một
năm sau, ngày 19/12/1848 Emily chết vì lao phổi.
Cuốn
tiểu thuyết duy nhất của Emily ngày nay được phần đông giới phê bình văn học
đánh giá là lớn nhất trong các tác phẩm của ba chị em nhà Bronte, nhưng vào lúc
ra đời, chất dữ dội và cuồng nhiệt của nó đã gây nên một chấn động quá mạnh đối
với những chuẩn mực đạo đức thời Victoria để có thể chấp nhận dễ dàng. Nếu như
ngày nay Đồi Gió Hú đã thành một mục chính trong các nhà trường và nằm trong số
những cuốn sách được đọc nhiều nhất ở Vương quốc Anh (trong hai năm 1991 –
1992, đứng hàng thứ ba trong số những cuốn sách được mượn nhiều nhất trong các
thư viện công), thì ngược lại, độc giả thế kỉ 19 có một thái độ lẫn lộn vừa
kinh tởm vừa thích thú đối với nó. Họ thực sự hoang mang không đoán được quan
điểm đạo đức của tác giả:
“Tác giả muốn người đọc rút ra bài học gì từ
tác phẩm của mình, thật khó mà biết được….người đọc thấy sốc, ghê gởm gần như
buồn nôn bởi những chi tiết tàn bạo, phi nhân và thù hận cùng sự báo thù ma quỉ
và tuy nhiên có những đoạn bộc lộ mãnh liệt sức mạnh tột vời của tình yêu…Quả
thực rất mực điên đầu và cũng rất thú vị…song ta phải để độc giả xác định xem
đó là sách gì.”
Bài
trích này là từ một điểm sách không ký tên đăng trên tuần báo Douglas Jerrold’s Weekly Newspaper số ra
ngày 15/1/1848. Còn viện Bradford Mechancies Institute thì dứt khoát cho rằng
đó là một “cuốn sách rất đồi bại”.
Mọi
phản ứng loại ấy khiến Charlotte, trong lần tái bản năm 1850, đã phải lên tiếng
bênh vực tác phẩm của em gái trong một lời tựa mà chúng tôi xin dịch toàn bộ dưới
đây để bạn đọc tham khảo:
“Tôi
vừa đọc lại Đồi Gió Hú và lần đầu tiên nhìn thấy rõ những gì được gọi là (và có
lẽ thực sự là) những khuyết điểm của nó, hình dung được dứt khoát nó có vẻ như
thế nào dưới mắt những người khác – những người xa lạ vốn không hiểu biết gì về
tác giả, không quen với địa phương được dựng làm khung cảnh trong truyện cho
câu chuyện, đối với họ, cư dân, phong tục cùng những đặc điểm của thiên nhiên của
các thôn xóm và vùng đồi ngoại ở khu vực hành chính phía tây Yorkshire là những
điều dị ngoại và lạ lẫm.
Đối
với tất cả những người như thế, Đồi Gió Hú hẳn có vẻ là một tác phẩm thô kệch
và kì quái. Những dải đồng hoang man dại của miền Bắc nước Anh có thể chẳng làm
họ hứng thú gì, ngôn ngữ, cung cách, nhà cửa và những tập tục gia đình của những
người dân rải rác trong các quận huyện ấy hẳn là rất khó hiểu đối với các tác
giả đó và chỗ nào hiểu được thì lại gớm ghiếc. Những người nam và nữ, mà bản chất
có lẽ rất bình lặng, tình cảm thì ôn hòa về mức độ và không mấy đặc sắc về loại
cách, từ trong nôi đã được luyện sao để giữ phong độ hết sức điềm đạm và lời ăn
tiếng nói thật là ý tứ, hẳn phải hoang mang trước cách nói năng thô lỗ, phũ
phàng, những dục vọng biểu lộ một cách gay gắt, những thù ghét không kiềm chế
cũng những mê thích liều lĩnh của những người nông dân thất học và điền chủ thô
kệch miền đồng hoang vốn lớn lên mông muội, không được dạy dỗ, không ai kiềm chế,
ngoại trừ những người thầy cũng cộc cằn giống họ….Tương tự như vậy, một lớp độc
giả khá đông sẽ thấy khó chịu khi thấy được đưa vào những trang của tác phẩm
nhiều từ để nguyên vẹn với tất cả các chữ cái, mà người ta đã quen lệ chỉ ghi bằng
chữ cái đầu và cuối với một dấu gạch ngang ở giữa. Tôi có thể nói rằng điểm này
tôi không đủ quyền năng biện hộ vì bản thân tôi cũng cho rằng việc viết các từ
nguyên vẹn là hợp lý. Cái lối dùng những chữ cái đơn để chỉ những lời chửi thề
thề mà người phàm tục và hung tợn thường quen điểm vào ngôn từ của mình, tôi thấy
nó vừa yếu, vừa vô bổ, dù với ý tốt đến đâu chăng nữa. Tôi không hiểu nó có lợi
ích chỗ nào, nó né tránh những tình cảm gì, nó che đậy điều ghê tởm gì.
Về
tính quê mùa của Đồi Gió Hú, tôi thừa nhận lời kết tội đó vì tôi cảm thấy đó là
chất. Nó quê mùa từ đầu đến đuôi. Nó đầy chất đồng hoang và man dại và xù xì
như rễ thạch nam. Mà nếu nó khác đi thì đâm ra mất tự nhiên vì chính tác giả là
người sinh ra và lớn lên ở đồng hoang. Hẳn nhiên, nếu đặt số phận cô ở thành thị,
thì những trước tác của cô – nếu cô theo đòi nghiệp văn chương - ắt đã có một
tính cách khác. Ngay cả nếu do ngẫu nhiên hay sở thích mà cô chọn một đề tài
tương tự thì chắc cô đã xử lý nó theo cách khác. Giả sử Ellis Bell (bút danh của
Emily Bronte khi cuốn sách được xuất bản lần đầu) là một quý bà hay một quý ông
quen với cái gọi là “giới thượng lưu” thì cách nhìn của cô với một miền hẻo
lánh và hoang dã cũng như đối với những con người ờ đấy, ắt phải khác xa cái
nhìn thực tế của cô gái quê lớn lên ở địa phương. Không nghi ngờ gì, nó ắt phải
rộng hơn, bao quát hơn, nhưng còn độc đáo hơn hay chân thật hơn không thì chưa
chắc. Nói về cảnh vật và vị trí thì khó mà có thể chứa chan niệm cảm đến thế.
Ellis Bell không miêu tả như một người chỉ tìm thấy khoái cảm cho con mắt và sở
thích mà thôi; những ngọn đồi quê hương đối với cô còn xa hơn một phong cảnh;
đó là cái mà cô sống trong nó và bởi nó, khác nào lũ chim trời là những kẻ cư
trú của đồi, hay đám thạch nam là sản phẩm của đồi. Cho nên những thủ đoạn cô
miêu tả thiên nhiên là đúng như cần phải thế và trọn vẹn như cần phải thế.
Về
việc phác họa tính cách con người thì có khác. Tôi buộc phải công nhận rằng hiểu
biết thực tế của cô về lớp nông dân cô sống cùng, chẳng hơn hiểu biết gì của một
nữ tu về những người nhà quê đôi khi qua cổng nhà dòng. Bản thích tự nhiên của
em gái tôi vốn không ưu giao du, hoàn cảnh nâng đỡ và nuôi dưỡng khuynh hướng ẩn
dật của cô; ngoài việc đi nhà thờ hoặc dạo chơi trên đồi, họa hoằn cô mới bước
ra ngưỡng cửa nhà. Mặc dầu đầy hảo tâm với những người xung quanh, cô không bao
giờ tìm cách giao lưu, cũng như chưa bao giờ thực sự đi lại với họ, trừ một số
rất ít. Tuy nhiên, cô hiểu biết về họ, ngôn ngữ của họ: biết những lề thói của
họ, ngôn ngữ của họ, những chuyện gia đình của họ; cô có thể nghe về họ một
cách hứng thú và nói về họ với những chi tiết tỉ mỉ, tượng hình và chính xác;
nhưng ít khi cô trao đổi với họ lấy một lời. Do đó, những gì trí óc cô thu lượm
về cái thật sự liên quan đến họ, chỉ bó hẹp một cách quá khu biệt ở những nét
bi thảm và ghê gớm mà, khi nghe những truyền sử mỗi vùng man rợ, trí nhớ đôi
khi bắt buộc phải hằn lên những nét ấy. Trí tưởng tượng của cô, một tinh thần u
tối hơn là trời nắng, mãnh liệt hơn là nhởn nhơ – tìm thấy ở những nét ấy chất
liệu để tạo nên những Heathcliff, Earnshaw, Catherine. Sau khi đã dựng thành
hình các nhân vật đó, cô không biết mình đã làm gì. Nếu người đọc tác phẩm của
cô trong bản thảo rùng mình dưới những nhay nghiến của những bản chất tàn nhẫn
và khắc nghiệt đến thế, của những tinh thần sa ngã, nếu có ai nói rằng chỉ nghe
kể một số cảnh ghê rợn và sống động cũng đủ mất ngủ ban đêm, và phá rối yên
tĩnh tinh thần ban ngày, thì Ellis Bell ắt sẽ hỏi thế nghĩa là gì và ngờ là kẻ
phàn nàn đó điệu đàng. Nếu cô còn sống, hẳn trí tuệ cô sẽ tự nó lớn lên như một
cái câu khỏe khoắn, cao hơn, thẳng hơn, xòe tán rộng hơn và những quả mãn khai
của nó chắc sẽ đạt đến độ chín ngọt ngào hơn và nở rực rỡ hơn; nhưng chỉ có thời
gian và kinh nghiệm mới tác động được đến trí tuệ đó, nó không phục tùng ảnh hưởng
của những trí năng khác. Sau khi thừa nhận rằng một nỗi “khủng khiếp xiết bao
đen tối” bao phủ lên nhiều trang của Đồi Gió Hú; rằng trong không khí hừng hực
dông tố và tích điện của nó, đôi khi ta tưởng như hít thở chớp giật sấm dồn.,
tôi xin chỉ ra những chỗ vẫn còn dấu hiệu chứng thực sự tồn tại của ánh sáng
ban ngày bị mây phủ và mặt trời bị che khuất. Về một tiêu mẫu thiện tâm thực sự
và trung thành chất phác, xin hãy nhìn vào tính cách của Nelly Dean, muốn có một
ví dụ về chung thủy và yêu thương đằm thắm, xin hãy để tính cách của Edgar
Linton (một số người có thể nghĩ những đức tính ấy có thể hiện ở một người đàn
ông không lung linh tỏa ngời như ở một người phụ nữ, nhưng hẳn không ai cũng có
thể làm cho Ellis Bell hiểu được ý niệm đó: không gì khiến cô bất bình hơn là một
lời bóng gió bất kì nào ngụ ý rằng lòng trung thành và nhân ái, tính chịu đựng
và yêu thương ân cần, vốn được coi là đức hạnh ở những người con gái của bà tổ
Eva, lại trở thành nhược điểm của các con trai ông tổ Adam. Cô cho rằng nhân từ
và khoan dung là những đặc tính thần thánh nhất của Đấng Vĩ Thể tạo ra cả nam
và nữ, và cái làm nên hào quang quanh Thượng Đế không hề hạ phẩm giá một hình
thể nào của nhân loại đuối. Có một số
nét u-mua ủ dột, khô khan trong sự phác họa lão già Joseph và dăm ba thoáng
duyên dáng, tươi vui làm trở nên cô con gái Catherine-con. Ngay cả nữ nhân vật
đầu tiên mang tên này cũng không khuyết một vẻ đẹp nào đó trong sự dữ dội của
nàng hoặc thiếu trung thực giữa cơn cuồng si lầm lạc và lầm lạc cuồng si.
Heathcliff
quả thật khôn đường cứu chuộc, chẳng có một lần trệch ra khỏi tiến trình thẳng
như tên bắn tới sa đọa, từ lúc “cái vật nhỏ nhoi, da ngăm, tóc đen, u ám như
thuộc dòng dõi của quỷ sứ” được cởi ra từ lần đầu từ cái bọc và đặt chân lên nền
bếp ngôi nhà trại, cho đến cái giờ mà Nelly Dean thấy cái thi thể vạm vỡ, dữ tợn
nằm ngửa trong chiếc giường quây quẫn với đôi mắt mở to nhìn trừng trừng như
“giễu những cố gắng của bà nhằm khép nó lại và cặp môi hé mở cùng răng trắng nhọn
cũng đang cười giễu”
Heathcliff
lộ ra độc trội một tình cảm có tính người, và đó không phải tình yêu của y đối
với Catherine, đây là một tình cảm dữ tợn và phi nhân, một thú đam mê như có thể
thấy sôi sục và cháy rực trong bản chất một hung thần nào đó, một ngọn lửa có
thể tạo ra một trung tâm quằn quại – cái linh hồn vĩnh viễn khổ đau của một chức
quyền ở cõi âm ti; và bằng sự thiêu phá không ngừng và khôn bề dập tắt, ngọn lửa
đó thực thi cái bản án buộc y phải mang Địa Ngục theo cùng với mình ở bất kì
nơi nào y lang bạt tới. Không, cái sợi dây duy nhất còn nối liền Heathcliff với
loài người là chút thương mến, được thú nhận một cách thô lỗ, của ý đối với
Heraton Earnshaw, gã thanh niên bị y làm lụn bại, rồi đến lòng trân trọng nửa bộc
lộ, nửa hàm ý của y đối với Nelly Dean. Bỏ những nét đơn lẻ ấy đi thì phải nói
rằng y không phải con cái thủy thủ người Ấn cũng chẳng phải dòng Digan, mà là một
kẻ hình người hồn quỷ - một con ma ca rồng – một con quỷ Hồ.
Tạo
ra những nhân vật kiểu Heathcliff, điều đó có đúng hay có nên không, tôi không
biết; tôi chẳng dám cho là phải. Song có điều này thì tôi biết rất rõ: kẻ viết
văn, được phú bẩm tài năng sáng tạo, thường có một cái gì mà anh ta không phải
bao giờ cũng làm chủ được – đôi khi nó nảy ra ý muốn kì dị và tự hoạt động vì bản
thân nó. Anh ta có thể nêu quy tắc và đặt ra nguyên lý nó có thể nhất nhất phục
tùng quy tắc và nguyên lý ấy hàng năm liền; thế rồi; không hề có gì báo trước sự
nổi loạn, tới một lúc, nó thôi không ưng “bừa ở thung lũng hoặc bị trói vào một
cái đai vào luống cày” nữa – nó “cười nhạo đám đông thị thành và không đếm xỉa
đến tiếng la của người lái xe” –nó từ chối hoàn toàn không chịu bện thừng bằng
cát biển nữa, nó bắt đầu đẽo tượng và ta bỗng có một vị Ngọc Hoàng hay Diêm
Vương, một nữ thẩn tóc rắn hay nàng Spyche (người thương của thần ái tính –
ND), một nàng đuôi các hay một thánh mẫu, theo sự điều khiển của Định Mệnh hoặc
Thần Hứng. Tác phẩm đó, dù u ám hay huy hoàng, ghê sợ hay thiêng liêng, ta cũng
chẳng thể lựa chọn mà chỉ đành lặng lẽ lựa
chọn. Cò về phần anh – người nghệ sĩ trên danh nghĩa – đóng góp của anh vào đó
chỉ là làm việc một cách bị động theo những mệnh lệnh không phải do anh truyền
và anh cũng không được quyền nghi vấn – điều đó ắt không được xướng lên theo
nguyện vọng của anh, cũng như không thể dẹp đi hoặc thay đổi theo ý muốn bất
thường của anh mà cũng chẳng mấy xứng đáng được khen, nếu nó là gớm guốc, cũng
Thế Gian ấy sẽ chê anh, mà, gần giống như trong trường hợp trên, anh chẳng mấy
đáng bị chê.
Đồi
Gió Hú được đẽo tạc trong một xưởng hoang dại bằng những dụng cụ đơn sơ, từ những
chất liệu mộc mạc. Nhà điêu khắc thấy một khối đá trên một cánh đồng hoang quạnh
quẽ: nhìn kĩ, chàng thấy, từ tảng đá, có thể tạo ra một cái đầu như thế nào,
man rợ, đen đúa, hung hãn, một dáng hình được đắp nặn với ít nhất một yếu tố của
hùng vĩ: cường lực. Chàng làm việc bằng một cái đục thô sơ và không theo mẫu
nào ngoài thị ảnh từ những suy tư của bản thân mình. Với thời gian với lao động,
khối đá được tạc thành hình người. Và kia, nó sừng sững đứng, đồ sộ, đen đúa,
cau có, nửa tượng nửa núi đá; là tượng thì khủng khiếp và giống như quỷ; là núi
đá thì gần như đẹp vì nó có màu xám dịu dàng và mặc lớp áo rêu đồng hoang; và
đám thạch nam với những chùm hoa hình chuông và hương thơm ngào ngạt của nó vẫn
thủy chung mọc sát chân gã khổng lồ”.
______
Theo Dương Tường
No comments:
Post a Comment