Sunday, August 9, 2015

Đôi điều về Bảo Ninh - một sự nghiệp đáng trọng.

Đã có nhiều nhà văn và nhà phê bình đưa ra lời bình phẩm và khen ngợi trang trọng nhất đối với Bảo Ninh, giờ đây tôi cũng muốn góp thêm chút gì đó để gọi là ca ngợi một tác gia mà trong mắt tôi ông thật sự là nhà văn tuyệt vời và xuất sắc.

Trước đây tôi thích Umberto Eco qua tác phẩm “Tên của đóa hồng” và Thomas Mann qua hai tác phẩm “Chết ở Venice”, "Núi thần". Tôi quá tự phụ đến độ không nghĩ rằng một ngày nào đó mình có thể đem lòng yêu mến bất kì một nhà văn nào của Việt Nam, tôi rất hạn chế và gần như không thích đọc văn học Việt mà chỉ đọc rặt những tác phẩm nước ngoài, đặc biệt là Tây Âu. Lý do như thế nào thì tôi không thể giải thích, vì nếu có nói rõ ràng ra chăng nữa, thì cũng không còn ý nghĩa gì, vì bây giờ tất cả những quan niệm đó đã thay đổi hết cả. Và tôi thực sự đã phải suy nghĩ lại, trong sự chín chắn và nghiêm túc nhất có thể, về văn chương và nhà văn nước Việt.

Bảo Ninh đến với tôi một cách tình cờ, qua sự giới thiệu của một người bạn với tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh”. Tên tuổi của Bảo Ninh, dù tôi có hơi tiếc một chút, đã gắn liền với tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” - một viên ngọc quí được Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung trân trọng. Tại sao tôi nói là tiếc, chỉ vì Bảo Ninh viết quá hay và có rất nhiều tác phẩm lớn khác, nhưng danh tiếng của ông chỉ được nhắc đến qua tác phẩm nói trên thì quả tình sự nghiệp của ông được nhìn thấy là quá ít ỏi.

Bảo Ninh đã cho tôi thấy được văn chương thật sự, theo một cách rất riêng. Ông là người mà những nhà văn khác cùng thời không dễ gì bì kịp. Như nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng nói: “Điều gì làm Bảo Ninh viết cái gì cũng hay? Đương nhiên là tài năng trời phú của ông, nhưng nó chỉ là một phần như một nhà triết học đã nói, phần quan trọng còn lại là lao động. Mà yếu tố quan trọng nhất trong lao động của ông chính là sự nghiêm khắc. Bảo Ninh là người rất nghiêm khắc. Ông nghiêm khắc với đề tài ông chọn, nghiêm khắc với cách nhìn hay phán xét của mình, và sau cùng là nghiêm khắc với từng con chữ.” Cùng với tài năng thiên bẩm, Bảo Ninh đã lao động hết sức mình với niềm đam mê sâu sắc. Bảo Ninh quan niệm viết văn cũng tức là tự nguyện thông báo cho thiên hạ biết về những sự hay dở trong suốt cuộc sống của mình, những ý nghĩ xấu, ý nghĩ tốt mình từng nghĩ, và cũng với mục đích là để người ta dựa trên những điều mình viết ra mà góp ý kiến phê bình xây dựng cho mình. Sự viết văn của ông cũng như nhiều người: “đều có thuở ban đầu ấu trĩ, thiếu cân nhắc, có sao nói vậy, nghĩ gì viết nấy, rồi sau đó là một quá trình khôn lên, đạt độ lão luyện, dày dạn kinh nghiệm, trên các trang sách hết hẳn sự dại khờ, chỉ còn no ứ những mỹ từ và những mẹo viết.” Đó cũng chính là lý do tôi rất thích ông.

Bảo Ninh chính thức trở thành nhà văn tôi nghưỡng mộ nhất. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương tuyệt đẹp, một con người đã một lòng trung thành với lý tưởng cầm viết và lao động một cách bền bỉ, tận tâm. Tôi học được nhiều điều từ Bảo Ninh, từ mạch tư duy, cách hành văn, cách dụng từ và trình bày nó trên mặt giấy sao cho ý tứ, gọn gàng và phải đẹp. Trước khi biết đến Bảo Ninh, tôi không biết viết, sau khi biết đến Bảo Ninh, tôi có thể tự tin viết ra những gì mình nghĩ, theo một cách tốt nhất có thể.

Bút pháp trong văn chương Bảo Ninh quả là kiệt xuất, nói như thế là không ngoa. Bởi lẽ đọc văn ông tôi cảm thấy trái tim mình rung động. Không phải thứ rung động thuở ấu thời khi đọc những tác phẩm diễm tình, không phải thứ rung động tầm thường của dục vọng mà là rung động trong cảm xúc thăng hoa khi được tận hưởng và chiêm ngưỡng một cái gì rất đẹp đẽ, trong sáng và trác việt. Văn chương Bảo Ninh đẹp một cách tự nhiên, không gò bó, hơi thở của nó nồng nàn, đầy sức mạnh đôi khi u uẩn đến nao lòng và không bao giờ đánh mất sự thống nhất về mặt tổng thể. Tư duy sâu sắc, quan điểm, tiếng nói chính chắn và đầy uy lực. Bảo Ninh xứng đáng nhận được những lời ngợi khen tốt đẹp nhất. Ông đã lao vào tâm bão và cho ra đời những tác phẩm xứng đáng là báu vật trong kho tàng văn chương Việt Nam cũng như thế giới.



No comments:

Post a Comment