Saturday, April 11, 2015

Văn chương và vấn đề về dạy văn ở nhà trường

Thời còn học sinh, tôi và chúng bạn thường ngao ngán than thở với nhau rằng nền giáo dục ở Việt Nam mình vẫn còn quá lạc hậu, dù chưa có đứa nào thực sự định nghĩa được rõ ràng giáo dục đích thực là thế nào, tuy thế, chúng tôi vẫn lờ mờ hiểu được mình đang bị gò ép trong một khuôn khổ không gây được mấy lòng hứng thú.
Đây là một sự thực mà chúng tôi không thể nào nói khác, nếu bạn không cảm thấy như thế, hẳn bạn là một người rất dễ thương và dễ chịu. Nhưng chúng tôi thì khác.

Mới đây, tôi tâm sự cùng một người bạn về sự giảng dạy các môn văn hóa ở môi trường học đường. như thời còn là những học sinh trung học, chúng tôi không giấu được sự quan ngại. Tại sao phương pháp giáo dục đương thời lại để lại trong chúng tôi những ấn tượng không mấy tốt đẹp? Và tiêu biểu nhất cho cuộc trò chuyện của chúng tôi chính là cách dạy và học môn Ngữ Văn. Câu chuyện cảm thụ và khen ngợi quá lố, thậm chí là học thuộc luôn cả cách làm sao để ca ngợi cho hay, cho đúng với tài liệu hướng dẫn để đạt điểm cao luôn là đề tài tán chuyện muôn thuở của học sinh cấp ba, nghe đi nghe lại không ít lần. 

Có nhiều hơn hai nhà văn nước ta đã gặp phải tình huống phải thốt lên là "tôi không hiểu" khi người ta ca ngợi quá lố tác phẩm của mình. Dương Tường từng nói: "Ca ngợi một tác phẩm nào một cách quá đáng là sỉ nhục chính tác phẩm đó và cả tác giả của nó nữa." Giáo dục văn học ở nhà trường ta hiện nay đang đi vào hướng ép buộc học sinh ngợi ca điều chúng không thích không thụ cảm. Khác hẳn với phương pháp dạy văn nước ngoài, đặc biệt là những nước Tây phương. Họ không ép uổng nhưng khuyến khích sự sáng tạo. Họ để cho học sinh cảm thụ khen chê theo cách riêng và từ chỗ đó mới đánh giá lực học của học sinh.

Văn chương đề cao nhất là tính trung thực. Nếu không thể thành thực được với chính mình trong quá trình cảm thụ tác phẩm mà buộc lòng phải tụng ca một cách sáo rỗng, sách vở thì có còn gọi là văn chương được nữa chăng?

Như Dương Tường đã nói thì nền giáo dục Văn Ngữ của nước ta hầu hết đều đi đến chỗ khen ngợi một tác phẩm một cách thái quá, nghĩ lại hóa ra là đi ngược lại với mục tiêu ban đầu sao? Thật là đáng buồn và đáng tiếc vậy. Từ thực tế đó, ta thấy nhiều lắm những giáo viên dạy văn còn thực sự không biết bản chất văn chương là như thế nào.

Lại có một câu chuyện như thế này: Một giáo viên bậc trung phê bình bài làm của một học sinh (em vốn được dạy thêm ở chỗ của giáo viên văn trường điểm) một cách thậm tệ. Nói rằng em không biết cách làm văn. Nói trắng ra là làm trái ý bà ta chỉ vì nó học từ một giáo viên khác - một người giàu kinh nghiệm và tâm huyết, lại giảng dạy ở trường chuyên khối ngữ văn. Trước đây khi còn học cấp ba, tôi cũng từng bị giằng co giữa một bên là làm vừa lòng giáo viên, một bên là nghe theo tiếng lòng của chính mình, song vì con điểm, tôi đành làm theo phương pháp của cô tôi: học thuộc từng dòng từng chữ và viết ra giống hệt thế. Tôi không thể tả hết nỗi thất vọng và uất ức của mình khi văn chương đối với tôi mà nói còn hơn cả những con điểm đỏ chói trong sổ, nó là mảnh đất của tâm hồn, là nơi mà tôi có thể cho người khác thấy được con người sâu thẳm bên trong mình, văn chương là sáng tạo, là tiếng nói chân thật nhất của trái tim chứ không phải là những gì người ta có thể học thuộc lòng để đạt thành tích nào đó. Đó không còn là sự giáo hóa nhân tính con người nữa, người ta không thể là những con vẹt nhại theo những gì người khác vẽ ra cho mình. 

Hậu quả chỉ có học sinh lãnh đủ. Chuyện tiêu cực xảy ra tràn lan trên khắp các nẻo đường giáo dục của nước ta...

Cậu chuyện kết thúc ở đó. Chúng tôi hiểu suy nghĩ của nhau song chỉ biết lắc đầu, tiếc thay cho một nền giáo dục hãy còn thua xa các nước tân tiến trên thế giới. Trong khi chưa thể hi vọng ở sự đổi thay căn bản của nền giáo dục nước nhà hiện tại, chúng tôi chỉ còn biết trông mong vào một cuộc cách mạng mới trong tương lai, sẽ giải phóng cả thầy và trò ra khỏi mê cung của những khuôn khổ, những cái lò đúc khô khan, áp đặt mà bước chân đến một vùng đất mới. Ở đó chỉ có sáng tạo và bình đẳng, có văn chương đích thực và lương tri con người. Để tránh khỏi cái nạn vì thành tích mà miễn cưỡng dối lòng, không được nói theo cách của mình.

Và niềm hi vọng vào sự cách tân của giáo dục nước nhà vẫn còn đó. Được như những điều đã nêu trên thì niềm hi vọng này cũng không đến nỗi uổng.

No comments:

Post a Comment