Tuesday, March 15, 2016

Camilo Jose' Cela - Người là ai?


"Một nhân loại lấy sự đê tiện làm cung cách xử thế, lấy định kiến làm học thuyết, lấy tình dục làm phương tiện xả hơi - cả một mớ giá trị giả với hàng đống nguyên lí đồi bại..." - Gia đình Pascal Duarte


Người được giải Nobel văn học năm 1989 là một ông già 74 tuổi, to béo, bệ vệ, với dáng dấp một thượng nghị sĩ lạnh lùng tỉnh bơ hay càu nhàu, mỉa mai, thích đùa cợt về những chuyện nghiêm trọng và ghét phải bình luận về tác phẩm của mình. Đầu năm 1989, Cela rồi Majorque về ở cách thủ đô Mandrid khoảng 40km. "Như thế cho tiện - ông nói - tôi được yên tĩnh làm việc".


Camilo Jose Cela sinh ngày 11 tháng 5 năm 1916 (đúng một thế kỷ một năm sau khi Goya vẽ bức tranh về cái chết của võ sĩ du961 bò tót Pepe Hiilo) tại một ngôi nhà nhỏ cạnh Ba-ri-e đường xe lửa xã Padron, xứ đạo Saint - Jacques de Compostelle, tỉnh La Corogne. Cha của Cela là một viên chức thuế quan mê đọc Nietzche, Schopenhauer, và mê một phụ nữ người Anh "đẹp, lãng mạn và âu yếm dịu dàng một cách bệnh lý". Những người sính logic hẳn ưa giải thích cặp gen phối hợp của hai con người này là nguồn gốc tạo ra cái khí chất chống công thức bẩm sinh ở Cela. Có người còn cho rằng ông có máu "phản - Tây Ban Nha".

Những gì đã chảy ra từ ngòi bút của Cela? Một thế giới man rợ, bị đè gí dưới bóng của cái chết, sự quay cuồng khốn khổ của một nhân loại ngập chìm trong những đam mê ti tiện, những bản năng thú vật của mình, dưới cái nhìn của một đấng Thượng đế kiểu Nietzsche. Ta hãy nghe lời tâm sự khủng khiếp dưới đây của Pascal Duarte, nhân vật chính trong "Gia đình Pascal Duarte": "Không hơi đâu dây vào những gì lũ người ngợm chúng ta đang làm, mà chỉ ngắm lũ chúng ta một cách vô cùng khinh bỉ. Một nhân loại lấy sự đê tiện làm cung cách xử thế, lấy định kiến làm học thuyết, lấy tình dục làm phương tiện xả hơi - cả một mớ giá trị giả với hàng đống nguyên lí đồi bại. Danh dự ư? Ôi, cái ý thức nổi tiếng của người Tây Ban Nha về danh dự! Chuyện tầm phào! Lúc nào cũng viện bừa danh dự ra để biện hộ cho cái khẩu vị thích máu của chúng ta, cái danh dự lấp lánh một ánh lừa mị đến nỗi nó làm quáng mắt những người bị nó xâm chiếm, thật khó xác định một ranh giới giữa những vết cứt vấy bẩn lên lòng tự ái".

"Kẻ thù của tôi là sự đê tiện khoác áo cao cả", Cela nói. Ông cười giễu cay độc sự phô phang để che đậy nỗi "khốn cùng của tâm hồn", kiểu những torero thật thế ưỡn ngực trước những tiếng hoan hô tưởng tượng khi vung thanh gươm gỗ đấu với... chiếc tủ lạnh hoặc chiếc xofa trong phòng khách (Võ sĩ đấu bò tót ở phòng khách thính). Cả một loạt chân dung xứng đáng với Goya, họa sĩ ưa thích nhất của ông - những nhân vật với cuộc đời tủn mủn bị cái nhìn phẫn nộ của tác giả găm trên mặt giấy như những mẫu côn trùng trên tấm xốp của nhà côn trùng học. "Cuộc đời con người là một trò hề cần phải huýt còi la ó", ông nói vậy. Trong Tội ác đẹp đẽ của gã buôn lậu, những nhân vật được ông tô nhiều thiện cảm nhất là một con chó, một cái đồng hồ quả lắc và những chiếc xe ca méo mó xộc xệch. Tác phẩm gây Scandal lớn ở Tây Ban Nha là San Camilo 1936 xuất bản năm 1969, khi nhà độc tài Franco còn sống, trong đó Cela tiếp cận cuộc nội chiến nổ ra năm 1936 một cách khách quan, phũ phàng: đằng sau bề mặt anh hùng ca là trò hề, đằng sau những nguyên lý cao cả là hằn thù, là say sưa bạo lực. Và đặc biệt là cái sợ.

Dưới thời Franco, cuốn Gia đình Pascal Duarte vừa phát hành là bị thu hồi liền. Cuốn "Tổ ong" bị cấm, phải đưa sang xuất bản ở Buenos Aires (cuối cùng, khi tác phẩm này ra mắt độc giả trong nước thì Cela đã có chân trong Viện Hàn lâm được 5 năm). Ông đã sáng lập tạp chí nghệ thuật Los Papeles de son Armadans ngay trước mũi bọn phát xít, vẫn đăng những bài bằng tiếng Catalonia và Galicia - hai thứ tiếng bị cấm - và vẫn ca ngội các họa sĩ bị chính quyền lên án: Picasso, Tapies, Solano...

"Cela là nhà văn chống đối đầu tiên của chúng tôi", nhà văn Juan Cueto nói. Thật ra, Cela là nhà văn "nhập cuộc", nhập cuộc để phụng sự những giá trị của chính mình. Một nghĩa quân không có cờ nghĩa. Không đứng về bất cứ phe nào, không phe nào lôi kéo được. "Tôi viết vì một định mệnh tất yếu và vì tôi không bao giờ tưởng tượng mình có thể làm cái gì khác".

Mặc dầu đã qua 14 năm đại học ở các ngành triết, văn và luật (tuy không tốt nghiệp khoa nào) và nhận học vị tiến sĩ danh dự của bảy trường đại học: Syracuse, Bimingham, Buenos Aires, San Juan de Porto-Rico, Palma de Majorque, Saint-Jacques de Compostelle và Jerusalem nhưng Camilo Jose' Cela hoàn toàn xa lạ với chất hàn lâm. Ông là một nhà cách mạng ngôn ngữ, một nhà cách tân lớn. Một phong cách luôn luôn đổi mới, độc nhất vô nhị với lời ăn tiếng nói đường phố. Gồ ghề, khô khốc, rắn như đá trong Gia đình Pacal Duarte. Huyền hoặc, hoang tưởng trong "Sở bóng tối 5". Áo ạt, dữ dội, cuồn cuộn trong "San Camilo 1936". Trong sáng, an tĩnh để kể lại những năm thơ ấu, trong "La Rosa".

"Viết hay là viết có hiệu quả chứ không phải là viết hoa mỹ", đó là điều tâm niệm của Cela.


10/1989


Trích "Chỉ tại con chích chòe - Dương tường"

No comments:

Post a Comment