Monday, November 2, 2015

Thế nào là hạnh phúc?


BERTRAND RUSSELL trả lời phỏng vấn Woodrow Wyatt
Thưa Huân tước Russell, cụ có vẻ là một người sung sướng. Cụ vẫn sung sướng từ hồi nào tới giờ chứ?

BERTRAND RUSSELL: Tôi có những hồi sung sướng, những hồi khổ sở. May mắn cho tôi là càng về già các hồi sung sướng của tôi càng kéo dài thêm.
Cụ có thể cho chúng tôi biết về hồi khổ sở nhất của cụ không?
B.R: Thời đó là thời thiếu niên… Tôi nghĩ rằng nhiều người thiếu niên khổ sở lắm. Không có bạn thân, không có ai để tâm sự. Hồi đó tôi muốn tự tử, và cho rằng chống được ý đó là việc khó khăn lắm - nhưng sự thực không phải vậy. Dĩ nhiên, hồi đó tôi cho tôi là khổ lắm, nhưng sự thực tôi chỉ khổ một phần thôi. Tôi nhận ra được như vậy nhờ một giấc mộng. Lần đó tôi nằm mộng thấy tôi đau nặng, gần chết. Lạ lùng thay, trong mộng tôi thấy giáo sư Jowett[1], thầy học của Baillot, và là người đã dịch Platon, đứng ở đầu giường tôi; ông học hành uyên bác và chơi thân với gia đình tôi. Tôi rầu rĩ bảo ông: “Ít nhất, tôi cũng được một sự an ủi là sắp được từ bỏ tất cả cái nợ này”. Ông the thẻ đáp tôi: “Cậu muốn nói từ bỏ cuộc đời hả?” Tôi bảo: “ Vâng cuộc đời”. Ông nói: “ Khi cậu sống thêm ít tuổi nữa, cậu sẽ không nói những câu vô lí như vậy nữa”. Tôi tỉnh dậy, và quả nhiên từ đó tôi không nói bậy bạ như vậy nữa.
Hạnh phúc mà cụ đã được hưởng, là do ngẫu nhiên tới hay do cụ đã quyết tâm chinh phục nó?
B.R: Xét về công việc của tôi, tôi được hạnh phúc là do cố ý kiếm nó. Còn về những cái khác, thì tôi cứ theo những xung động của tôi, mặc cho sự ngẫu nhiên. Dù sao thì cái việc tôi cho được sung sướng, chương trình đó tôi đã theo đúng.
Nhưng cụ có nghĩ rằng cứ để cho các xung động và ngẫu nhiên làm chủ hạnh phúc của mình thì kết quả có tốt được không?
B.R: Đó là vấn đề may rủi! Với lại còn tùy sự thành công trong công việc mình làm nữa. Nhiều năm sau thời niên thiếu mà tôi mới nói với ông đó, tôi đã trải qua một hồi khốn khổ vì tôi hoàn toàn bị chặn đứng lại, không giải quyết nổi một vấn đề có thể tiến tới trong công việc. Suốt hai năm, tôi lúng túng vì vấn đề đó mà không tiến được một bước. Tôi đau khổ lắm.
Theo cụ, những cái gì tạo nên hạnh phúc?
B.R: Có bốn cái mà tôi cho là quan trọng. Cái thứ nhất có lẽ là sức khỏe. Cái thứ nhì là có đủ phương tiện để khỏi thiếu thốn. Cái thứ ba là sự giao hảo với mọi người khác. Cái thứ tư là sự thành công trong công việc.
Vậy cụ cho sức khỏe là rất quan trọng ư?
B .R: Có những tình trạng  sức khỏe quả thực làm cho ta không thể nào sung sướng được. Có những bệnh tinh thần làm cho thật đáng thương hại. Có những đau khổ ta có thể kiên nhẫn chịu đựng được, lại có những đau khổ không làm ta chịu nổi.
Theo cụ thì nhờ mạnh khỏe mà người ta sung sướng, hay nhờ sung sướng mà người ta khỏe mạnh ?
B.R: Nhờ mạnh khỏe mà sung sướng điều đó có phần đúng hơn. Nhưng cũng có tác động ngược lại. Một người sung sướng thì ít đau ốm.
Sau một đêm ngủ ngon, cụ thấy sung sướng hơn sau một đêm trằn trọc chứ?
B.R: Nhất định vậy.
Bây giờ tới điều kiện thứ nhì: lợi tức
B.R: Cái đó quan trọng đấy, nhưng còn tùy mức sống ta đã quen. Khi ta đã quen sống trong một cảnh nghèo nào đó thì ta bớt khó tính đi. Ai đã quen sống trong cảnh giàu có thì sẽ thấy khốn khổ khi không có được một lợi tức quan trọng.
Do đó mà bị sự kiếm tiền ám ảnh mình, phải vậy không?
B.R: Phải. Nhưng kẻ giàu nhất lúc nào cũng sợ sẽ chết trong một viện dưỡng bần. Hạng người đó thấy thường lắm.
Vậy có nhiều tiền nhất định là sung sướng?
B.R: Không! Tiền chỉ là một thứ nhu cầu tối thiểu thôi. Phải nghĩ tới chuyện khác nữa chứ, nếu không thì chán lắm.
Điểm thứ ba cụ đã kể là sự giao thiệp với người khác. Có phải điểm đó đứng hàng ba về sự quan trọng không?
B.R: Dĩ nhiên là không. Theo kinh nghiệm của tôi, thì nó quan trọng bậc nhất, hay bậc nhì đấy, sau sức khỏe.
Cụ nói “sự giao hảo với người khác” là nghĩa làm sao?
B.R: Theo tôi thì minh bạch lắm mà. Đó là tình thân ái, tình thương vợ thương con, sau cùng tình thân thiết với người khác. Nếu những sự giao thiệp đó mà khốn khổ thì đời sống thật khó khăn.
Bây giờ tới sự làm việc. Cụ cho sự thành công trong công việc là điều kiện quan trọng lắm sao?
B.R: Thực vậy, rất quan trọng đối với một người cương nghị. Có những kẻ thờ ơ biếng nhác, không chú trọng mấy tới công việc. Nhưng ai có chút nghị lực thì cũng tìm cách tiêu dùng nó, mà cách tốt nhất là dùng nó vào công việc. Dĩ nhiên, nếu công việc mình làm không đem lại kết quả mình mong mỏi thì khổ sở. Khi mình thành công thì ngày nào cũng thấy đầy đủ, mà công việc làm tăng hạnh phúc của mình lên nhiều.
Có tùy loại công việc không?
B.R: Không, trừ một số công việc thất thường, bất ổn, không chắc. Chẳng hạn, tôi có thể là nhân viên trong cơ quan Politburo, và công việc của tôi sẽ đáng ngại một chút đấy, nhưng dù sao…
Công việc đó có thể kích thích lắm. Có những người thích nó.
B.R: Nếu họ thích được thì tốt nhất rồi.
Còn sự cao cả hay đê tiện của công việc, cái đó quan trọng không?
B.R: Tùy tính khí mỗi người. Có người chỉ sung sướng khi làm những công việc lớn. Có kẻ làm một công việc tầm thường cũng lấy làm thỏa mãn rồi. Nhưng công việc phải hợp với khả năng của ta, để có kết quả.
Cụ nói vậy, người ta có thể hiểu rằng có thể tìm được hạnh phúc trong sự biếng nhác, có thể lấy làm thỏa mãn mà làm việc rất ít?
B.R: Tôi biết vậy, nhưng ít nhất là theo kinh nghiệm của tôi, thì cách đó không phải là một cách để sung sướng. Làm một công việc khó khăn mà thành công, kết quả rất tốt, thì tôi thấy rất sung sướng; và tôi không nghĩ rằng một kẻ làm biếng có được hạnh phúc đó.
Nếu có ai bảo cụ rằng ít th.ông minh hơn thì sẽ vui (sung sướng) hơn, cụ sẽ phản ứng ra sao?
B.R: Phản ứng của tôi là từ chối. Nếu tôi được thông minh hơn một chút thì tôi sẵn sàng chịu mất một phần vui đi. Không, ông thấy đấy, tôi thích sự thông minh hơn.
Cụ có nghĩ rằng triết lí giúp cho người ta sung sướng không?
B.R: Có, nếu ông thích triết lí và có khiếu về triết lí. Nếu trái lại thì sẽ không sung sướng hơn. Nhưng nghề thợ hồ thì cũng vậy… nếu ông là một người thợ hồ giỏi. Bất kì hoạt động nào cũng làm cho ta sung sướng nếu ta thích hợp với nó.
Thế có những yếu tố nào ngăn cản hạnh phúc?
B.R: Có nhiều lắm! Không kể những yếu tố trái ngược với bốn điều kiện mà chúng ta đã bàn. Muốn sung sướng thì có điều này nên tránh: là lo lắng. Về phương diện đó, càng già tôi càng tiến bộ, và bây giờ tôi sung sướng hơn trước nhiều. Để khỏi lo lắng, tôi tự tìm ra được một cách rất thực tế. Tôi tự hỏi tôi: “Nào, thử coi xem nếu tệ nhất thì việc có thể sẽ xảy ra thế nào?” Rồi tôi nghĩ “Rốt cuộc, có cái gì là nghiêm trọng lắm đâu – một trăm năm sau; thực ra nó chẳng nghiêm trọng quái gì cả”. Ông tự buộc ông suy nghĩ như vậy thì rồi ông sẽ bớt lo lắng đi nhiều. Sở dĩ chúng ta lo lắng là vì chúng ta không thích nhìn thẳng vào những cái bất như ý có thể xảy ra.
Cụ có thể tùy ý diệt sự lo lắng có thể xảy ra?
B.R: Không hoàn toàn diệt được hết, nhưng dù sao cũng diệt được.
Còn thói ganh tị?
B.R: À, sự ganh tị! Có nhiều người bị cái thói đó làm cho khổ sở ghê gớm. Tôi nghĩ tới họa sĩ Hayton, tài năng chẳng có bao nhiêu mà muốn thành hạng đại tài. Trong tập nhật kí của ông ta, người ta thấy câu này: “khổ sở suốt cả buổi sáng nay vì tôi tự so sánh tôi với Raphael”. Có đủ hạng người được hưởng nhiều rồi chứ, mà vẫn rầu rĩ vì có những người khác được hưởng nhiều hơn mình một chút. Họ nghĩ rằng một người khác có một chiếc xe hơi tốt hơn một khu vườn đẹp hơn; hoặc giá được sống ở một miền khí hậu tốt hơn thì sẽ sướng hơn; hoặc công viên của ông X nọ được người ta khen hơn – vân vân. Đáng lẽ hưởng cái vui họ nắm được, thì họ sầu khổ vì nghĩ rằng người khác được nhiều hơn mình, mà đáng lí họ phải dửng dưng, để ý làm quái gì tới cái đó.
Những lòng ganh tị cũng có khía cạnh tốt của nó chứ? Thấy công việc của ông hàng xóm tốt hơn công việc của mình, mình có ganh tị thì mới muốn làm tốt hơn chứ?
B.R: Đúng vậy, nhưng lòng ganh tị cũng có thể khiến ta làm xấu hơn, nhất là khiến ta xen vào công việc của người. Có hai cách vượt được người khác: một cách là cứ tiến tới; một cách là kìm cho người đó ở lại phía sau mình.
Sự chán nản, cái đó có quan trọng không?
B.R: Cực kì quan trọng. Tôi không bảo rằng chỉ riêng loài người mới có cái tâm trạng chán nản, vì tôi đã thấy ở vườn Bách thú những con khỉ cũng có cái vẻ biết thế nào là chán nản rồi – nhưng tôi không thấy loài vật nào khác bị cái chứng đó. Sự chán nản là dấu hiệu của một trí tuệ cao, điều đó rất quan trọng. Người ta thấy rõ điều đó khi nhìn những người mọi rợ tiếp xúc với người văn minh thì sa ngay vào rượu. Họ thích rượu hơn thích Thánh Kinh, Phúc Âm, hơn cả những hạt pha lê xanh nữa. Họ ham rượu vì uống vào thì hết chán nản rầu rĩ được một lúc.
Nhưng làm sao thắng được sự chán nản. Cụ thấy các thiếu nữ được học rất cao không: họ lấy chồng rồi suốt đời chỉ còn có mỗi một việc là trông nom cửa nhà
B.R: Chế độ xã hội đó không gọi là thành công được. Tôi không nghĩ rằng sáng kiến của cá nhân có thay đổi tình trạng đó được. Nhưng thí dụ của ông tỏ rằng chế độ đó không thích hợp với chúng ta. Mỗi người phải có thể giúp ích cho xã hội được tùy khả năng, tài năng của mình. Mà những thiếu phụ ngày nay có học thức lại không có cơ hội dùng hết khả năng của mình. Xã hội muốn như vậy đó.
Nếu chúng ta muốn sung sướng thì chúng ta có nên nhận định những động cơ thúc đẩy ta hành động không để đừng tự làm cho mình thất vọng?
B.R: Nên lắm, điều đó có lợi lắm. Tôi biết có những người hành động vì lòng căm hận mà cứ tưởng là hành động cao thượng vì lí tưởng! Có lẽ họ sung sướng hơn nếu họ biết rằng họ ghét một người nào đó, và đó mới thực là động cơ thúc đẩy họ hành động.
Nhiều người tự dối mình mà hóa khổ sở?
B.R: Thực vậy, hạng người đó không hiếm.
Cụ có nghĩ rằng trong nghịch cảnh người ta có thể sung sướng được không? – Chẳng hạn trong khi bị nhốt khám, vì cụ đã có lần ở trong khám rồi?
B.R: Nhưng ở trong khám tôi đâu có khổ sở. Phải nói rõ rằng tôi được giam ở khu thứ nhất, nơi đó tù nhân không phải chịu tất cả cái nỗi tàn khốc trong khám. Dù sao, một người quen làm việc tinh thần cũng thấy khó chịu lắm. Trong trường hợp đó, một người làm việc tay chân sẽ đỡ khổ hơn vì ít thấy thiếu sự hoạt động tinh thần.
Hồi bị nhốt khám, cụ có cảm tưởng rằng cụ tranh đấu cho một lẽ phải. Trong hoàn cảnh đó, bị nhốt oan, cụ có thấy dễ sung sướng hơn là có tội mà bị nhốt không?
B.R: Chắc chắn vậy. Nếu tôi bị nhốt khám vì ăn cắp muỗng của người khác chẳng hạn thì tôi sẽ đau khổ lắm, vì tôi sẽ cảm thấy… cảm thấy rằng bị cái nhục đó là đáng lắm. Nhưng lần đó bị nhốt khám mà tôi chẳng thấy bị nhục chút nào cả.
Vì đó là vấn đề nguyên tắc?
B.R: Phải
Có một mục đích để sống vì nó, theo đó, thì dễ sung sướng, cụ có nghĩ vậy không?
B.R: Có, với điều kiện là thành công ít hay nhiều. Thất bại thì không sung sướng được. Thỉnh thoảng thành công một lần, cái đó quí lắm. Điều đó kéo tôi tới ý nghĩ này: khi người ta muốn sung sướng thì điều rất quan trọng là đừng nghĩ tới mình mà nghĩ tới cái gì khác. Nhất là về già càng để hết tâm lực vào những hoạt động bất vị lợi, càng ra khỏi cái khung đời sống nhỏ nhoi của mình rồi đây sẽ chấm dứt. Điều đó rất quan trọng đối với những người già muốn sống những dư niên êm đềm.
Cụ nghĩ sao về tất cả những thuật sống lâu và sung sướng mà người ta gởi cho một người đó?
B.R: Sống lâu là vấn đề y khoa; tôi biết gì đâu mà dám bàn tới. Tôi nhận được một đống giấy lộn cao ngất của các vị sáng tác ra các phương pháp đó. Theo họ thì tôi chỉ việc uống thuốc của họ là tóc tôi sẽ đen lại. Nhưng này, tôi tự hỏi tôi, tóc đen lại thì tôi có thích không: là vì tóc tôi càng bạc bao nhiêu thì thiên hạ lại càng tin lời tôi nói bấy nhiêu.



No comments:

Post a Comment