Thursday, June 11, 2015

Chết ở Venice




Chết ở Venice là một quyển sách đong đầy sự thông thái với ngòi bút miêu tả sắc sảo, bút lực mạnh mẽ. Thomas Mann đã luôn là một nhà văn tôi ngưỡng mộ bởi khả năng sử dụng ngôn từ tuyệt vời và trí tưởng tượng dường như vô tận. Chết ở Venice không chỉ là về một câu chuyện tình yêu đồng tính, nó không hề tầm thường từ sâu thẳm cốt cách, bên trong quyển sách hàm chứa rất nhiều điều mà người đọc phải suy ngẫm thật lâu mới có thể hiểu được. Chính từ việc Chết ở Venice không hề dễ đọc đã làm nên giá trị trường tồn của nó.

           Tác phẩm kể về một nhà văn lớn tuổi với những thành tựu đáng kính nể đến mức được phong tước quý tộc – ngài Gustav von Aschenbach. Qua một chuyến du lịch đến thành phố Venice để tìm lại một thời tuổi trẻ đam mê và khám phá ông đã không biết trước được rằng đó cũng chính là chuyến đi định mệnh thay đổi tất cả con người và cuộc đời ông. Tại đây ông đã gặp Tadzio - một cậu bé 14 tuổi người Ba Lan với vẻ đẹp tuyệt vời say đắm khiến ông muôn ngàn lần ngưỡng mộ.

           Ban đầu chỉ là sự cuốn hút của cái đẹp như một nhà văn mê đắm ngôn từ có thể lột tả vẻ đẹp thần thánh ấy, Aschenbach si mê bằng lí trí và bằng những giới hạn đạo đức của mình. Ông âm thần quan sát, bình tĩnh lướt qua và vừa lòng với những gì trong tầm tay mình. Nhưng về sau, ông đã dần không còn thỏa mãn với những cảm xúc ban đầu, một nhà văn sống lâu bền trong khuôn khổ và chuẩn mực tìm đến một chuyến đi như một sự giải phóng con người đã làm bùng nổ luôn cả những khát khao được tự do sống theo cảm xúc. Đối mặt với “tạo vật hoàn mỹ”, Aschenbach đã đem lòng yêu thương cậu. Cậu bé với vẻ đẹp không bút nào tả xiết đã để lại một dấu ấn điên cuồng trong cuộc đời gần đến hồi kết của nhà văn đứng tuổi. Aschenbach phải đối diện với tình yêu phi lý đó, đối mặt với nạn dịch tả bị che giấu ở Venice để tiếp tục sống gần bên người thương nhớ, đối mặt với tử thần và phần “con” đang trỗi dậy sau gần một đời khắc kỷ chỉ biết hiến mình cho nghệ thuật. Gạt bỏ những mối ràng buộc, không còn quan tâm đến những áy náy với tổ tiên, Aschenbach yêu và chỉ yêu. Tình yêu câm lặng, mâu thuẫn và có đủ mọi cung bậc cảm xúc dù từ đầu đến cuối không ai từng nói với ai câu nào. Aschenbach lao theo tình yêu và dần trở nên đổi khác, lố bịch hơn, hổ thẹn và vô liêm sỉ hơn. Mối tình đã phá tan mọi khuôn mẫu ông từng tôn thờ. Trong tình yêu ấy ông đã phải chiến đấu, cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay vì bệnh dịch trong ánh nắng rực rỡ trên bờ biển Venice và nụ cười nhạt nhòa trên môi. Chết ở Venice không già nua vì tuổi tác của Aschenbach, không đớn đau vì một tình yêu nực cười trái đạo đức, không tăm tối và chết chóc vì bệnh dịch, Chết ở Veniceđẹp như chính Venice bồng bềnh sóng nước và những câu chuyện thần thoại. Từng bước từng bước Aschenbach đánh mất dần phẩm giá, trở nên thật nực cười và lố lăng nhưng cũng thật đáng thương.

Vượt thoát ra khỏi cái vỏ bọc là mối tính đồng tính luyến ái của Aschenbach và cậu thiếu niên Tadzio chính là những trăn trở, xung đột trong nhân sinh quan của một con người làm nghệ thuật và yêu cái đẹp. Chết ở Venice với Gustav Aschenbach là chết trong lòng tình yêu, trong những xúc cảm bùng cháy nhất của cuộc đời đồng thời cũng là cái chết kiệt cùng của một kẻ đã gạt bỏ chính mình. Cuộc chiến của Apollo và Dyonisos kết thúc phần thắng chẳng nghiêng về ai, chỉ còn Aschenbach là kẻ tế thần tội nghiệp.

No comments:

Post a Comment